Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Hương trà Sen


Bố tôi cẩn trọng treo vế câu đối chữ Nho khảm trai đã ngả vàng vì thời gian lên ban thờ. Đây là vế câu đối trong bộ câu đối gia bảo mới tìm lại được sau mấy chục năm thất lạc do giặc giã loạn lạc.
Ông lấy bộ ấm chén cổ mầu da lươn của cụ nội tôi để lại thường cất kỹ trong tủ ra lau rửa cẩn thận rồi bảo tôi lấy chậu than và chiếc siêu đồng cổ ra quạt than đun nước. Tôi biết bố tôi chỉ dùng bộ ấm chén này khi thờ cúng. Khi nước sôi ông lựa loại chè quý do chính ông tự tay sao suốt và ướp sen rất công phu pha một ấm. Chờ chè ngấm ông nhẹ nhàng rót ra những chiếc chén mỏng tang dâng lên bàn thờ rồi thành kính thắp hương khấn vái. Nhìn nét mặt, tôi biết ông đang cố nén nỗi xúc động, lát sau khi đã tĩnh tâm bố tôi bảo:
- Con uống nước đi, chè ướp sen này xưa cụ nội con thường dùng.
Tôi bồi hồi nâng chén trà, trong tĩnh lặng của sớm mai, hương sen man mác, dư vị của trà ngon và hương hoa thanh cao hoà quyện, tinh thần, chợt thư thái lạ lùng.
Hướng về phía bàn thờ đang toả hương thơm ngát, bố tôi trầm ngâm:
- Đây là một vế trong câu đối xưa cụ con rất quý. Câu đối này do một người bạn tri âm tặng trong một lần hội ngộ, vừa thưởng thức trà sen, vừa ngâm thơ xướng hoạ.
Quê tôi ở xã Hiền Lương - huyện Hạ Hoà - tỉnh Phú Thọ. Căn nhà của cụ tôi để lại ngay bên sông Hồng, phía thượng nguồn là Gành Hạc, theo truyền thuyết đây là nơi xưa chim Hồng Hạc thường về đậu. Trước nhà là cánh đồng thẳng cánh cò bay và một đầm sen rộng gần chục mẫu. Mỗi khi hè về đầm sen đua hoa ngát hương cả một vùng "rừng cọ, đồi chè, đồng xanh"quê tôi. Vào thu sen tàn, nhưng sức sống diệu kỳ vẫn ẩn sâu dưới lớp bùn để mùa xuân năm sau lại bừng dậy hoàn sinh nuột nà.
Thuở còn thơ, không biết bao lần tôi tròn mắt lắng nghe chuyện Mẹ Âu Cơ đưa năm mươi người con lên đây khai đất vỡ hoang và dạy cho dân biết cấy biết cày. Rồi khi xuống đón Mẹ Âu Cơ về trời, các nàng tiên đã ẩn trong những đoá sen để tránh những ánh mắt phàm tục và những đêm trăng sáng đôi khi vẫn văng vẳng từ hồ sen khúc nghê thường. Đầm sen ngày ấy là cả một thế giới linh thiêng và huyền bí với tôi. Sau này lớn lên mỗi lần về thăm quê, từ xa ánh mắt mới chạm vào bóng đa xanh thẫm và mái đền cổ kính, nghe thoang thoảng trong gió hương sen thân thuộc, là trong tôi lại bồi hồi xúc động với một tình cảm trong sáng, máu thịt và ấm áp lạ thường.
Tôi được các cụ cao niên trọng họ kể rằng, thời trai trẻ cụ tôi là người ngay thẳng, trung thực, nhân hậu và rất giỏi trong kinh doanh. Cụ cùng một số người thân tín tổ chức làm ăn, nhờ vậy kinh tế gia đình khá giả. Song cụ luôn ủng hộ giúp đỡ các phong trào yêu nước và những cảnh đời cơ nhỡ. Cụ tôi luôn răn dạy con cháu: "chữ hiếu, chữ trung là cái gốc của đạo làm người. Con người ta sống không phải chỉ cho riêng mình mà còn phải biết sống vì nước, vì dân". Ngôi nhà của cụ tôi ngày ấy có một tầng gác xinh xắn có tên là "nguyệt cầm hiên". Đây là nơi lâu lâu cụ tôi cùng bạn bè tâm giao cùng chí hướng đàm đạo về thế sự, thưởng thức trà sen, ngâm vịnh thơ phú.
Bố tôi kể rằng lúc sinh thời cụ nội tôi chỉ dùng duy nhất trà ướp sen. Cụ tôi cho rằng uống trà mộc là để thưởng thức cái tinh tuý của trà, còn uống trà ướp sen, hương vị trà tinh khiết hoà cùng hương hoa cao sang làm cho con người như đạt tới sự thoát tục, giúp mỗi người có thể chiêm nghiệm được quá khứ, hiện tại và tương lai trong mối giao hoà thiên - địa - nhân sâu sắc.
Do ảnh hưởng của cụ tôi nên ông nội tôi sớm giác ngộ cách mạng. Chính vì vậy, năm 1930 ông nội tôi bị chính quyền thực dân phong kiến bắt giam tại đề lao Phú Thọ với tội danh tiếp tay cho cuộc khởi nghĩa Yên Bái của ông Nguyễn Thái Học. Không khuất phục được ông cụ, chúng lại giở chiêu bài dụ dỗ, phong cho ông nội tôi hàm: "Hàn lâm thị độc", xong ông nội tôi khảng khái từ chối. Năm 1943 ông nội tôi dùng tiền của tổ chức và của gia đình vào xã Hạ Bằng La (Văn Chấn - Yên Bái) mở đồn điền trồng chè để làm cơ sở đón các chiến sỹ cách mạng vượt ngục từ Sơn La, Nghĩa Lộ về. Ông nội tôi đã anh dũng hy sinh năm 1951 khi đưa đoàn dân công của huyện Hạ Hoà đi phục vụ chiến dịch Hoà Bình.
Từ ngày tìm được vế đối của tổ tiên, tôi bao lần trăn trở muốn tìm hiểu nội dung, để rồi qua đó ít nhiều có thể hiểu thêm về các bậc tiền nhân. Duyên may qua con đường viết văn, viết báo, tôi quen thân với một ông giáo già vốn xuất thân từ một ông đồ xứ Nghệ. Trong một lần cùng ông thưởng thức trà sen tôi đã được ông chân tình chỉ dạy:
- Đây là câu đối của một bậc văn tài, trượng nghĩa, yêu lẽ phải và công bằng, mang một nỗi niềm đau đáu về dân tộc, về gia phong, ẩn chứa một ý chí, hoài bão và niềm tin vào tương lai của đất nước và con cháu. Cũng vì vậy không thể chỉ dựa vào từ điển mà có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của người xưa.
Vuốt chòm râu trắng như cước, ông giáo già ngâm nga vế câu đối:
"Anh Vũ loa thâm phiên tế lãng"
Dừng lạc giây lát như cân nhắc điều gì, ông giáo trầm ngâm:
- Vế câu đối thật là hóc hiểm. Nếu chiết tự thì "Anh" có nghĩa là đứa trẻ mới sinh, song"Anh Vũ" cũng là một loại cá quý có ở sông Bạch Hạc. Nhưng khi kết hợp với "loa" là con ốc, là những vòng tròn tiếp nối nhau tuần hoàn bất tận thì đã nảy sinh những ý nghĩa mới là con ốc biển đẹp và quý hiếm. Ông giáo già lưu ý với tôi nhân dân vùng duyên hải, đặc biệt là ngư dân dùng vỏ ốc Anh Vũ làm tù và. Nhưng đó không chỉ là dụng cụ phóng thanh mà còn là mệnh lệnh, thông điệp. Người xưa truyền tụng rằng mỗi khi tù và bằng ốc Anh Vũ cất tiếng, âm thanh dường như vẫn đọng lại ngàn đời trên sóng nước, có sức truyền cảm mạnh mẽ, tương thanh tương khí về lòng người, về thế sự. Tù và bằng ốc Anh Vũ là vật thiêng, không phải ai cũng được dùng và biết dùng cho hiệu quả, mỗi khi dùng đến là báo hiệu có việc trọng đại, linh thiêng của một dòng họ, một làng, một tổ chức.
Từ đó khi hiểu "thâm"là sâu, sâu của không gian và thời gian, sâu của ân đức và lòng người, "phiên" là phản hồi, lật trở lại, "tế" là rất nhỏ, "lãng" là sóng nước phải chăng có thể hiểu rằng: Tiếng tù và bằng ốc Anh Vũ từ sâu thẳm, từ ngàn xưa vẫn vọng lại thôi thúc, được sóng nước êm ả li ti phản hồi lan toả đến vô cùng vô tận?
Tôi hiểu rằng nếu áp đặt cho vế đối một ý nghĩa nhất định nào đó theo ý mình sẽ là sự nông cạn, hời hợt và xúc phạm. Song lời cắt nghĩa của ông giáo già khiến tôi rưng rưng xúc động. Từ sâu thẳm dâng lên lòng kính trọng đối với công sức, tâm tư, tình cảm của tổ tiên.
Từ lâu gia đình tôi nuôi một ý nguyện xây dựng một vế đối thay cho vế đối đã bị mất, thể hiện tấm lòng của con cháu. Dù được nhiều bậc cao niên gợi ý cho một số vế đối mà vẫn phân vân khó quyết được.
Anh em tôi công tác xa, ở quê chỉ có gia đình người chú ruột, nhưng hàng năm chúng tôi từ mọi miền đất nước đều xum họp nơi mảnh đất thân yêu. Bao giờ anh em tôi cũng thắp hương báo cáo với tổ tiên những bước đi, những thành công và cả những thiếu sót, vấp ngã trên đường đời. Mỗi thành viên trong đại gia đình đều thấy như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh, gắn bó với nhau hơn. Bao giờ anh em tôi đều cùng con cháu quây quần nơi gác "nguyệt cầm hiên" đắm mình trong hơi thở hôi hổi một sức sống mới của quê hương. Con sông Hồng vẫn êm ả trôi xuôi, cần mẫn bền bỉ chuyên chở phù xa bồi đắp những cánh đồng mầu mỡ. Bình minh xôn xao trên sóng nước lăn tăn lan xa tới tận chân trời. Hương lúa đồng hoà quyện cùng hương sen ngào ngạt. Chúng tôi xúc động giở từng trang gia phả của dòng họ. Ngoài kia nhịp sống mới đang hối hả. Những con đường hiện đại toả đi muôn nơi, những công trình mang tầm thời đại, những ngôi nhà mới xây tươi rói, những ánh mắt nụ cười tin yêu, ngôi đền Mẹ Âu Cơ nhân từ bao dung ấm áp, quá khứ và hiện tại đan xen. Ôi mảnh đất quê hương, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng nên biết bao người con ưu tú. Biết bao người đã không tiếc máu xương, công của để bảo vệ và xây dựng, trong đó có những người thân yêu của gia đình lớn chúng tôi. Đâu đây như vẫn vang vọng tiếng tù và bằng ốc Anh Vũ trầm hùng trên sóng nước. Trong tôi bỗng vụt hiện lên vế đối do ông giáo già gợi ý:
" Hạc Âu đức viễn khải thuần phong"
Đúng rồi! Tuy không dám nói đối lại vế đối của tổ tiên. Nhưng lịch sử của giống nòi, nơi phát tích và trưởng thành của dòng họ, tiếng gọi đàn của chim Hạc, chim Âu, tiếng của Mẹ Âu Cơ gọi nhớ Lạc Long Quân từ buổi chia tay lên ngàn xuống biển. Công đức to lớn sâu xa của tổ tiên, công đức ấy khởi nguồn cho ngọn gió lành. Sóng không chỉ là sóng đơn thuần mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc. Gió không chỉ là gió, mà còn là thuần phong mỹ tục con cháu nguyện với cha ông giữ gìn nếp nhà - gia phong trong bước chuyển mình của quê hương đất nước trên con đường hội nhập với bạn bè năm châu. Cái gia phong có tính bản ngã ấy đã được công đức của tổ tiên gây dựng từ ngàn xưa mãi mãi sâu nặng và trường tồn.
Tôi thanh thản thắp nén hương trầm trên bàn thờ tổ. Cơn gió mát lành từ cánh đồng biếc lúa thoang thoảng hương sen lồng lộng thổi. Tôi bỗng mỉm cười và đọc thành lời câu đối:

"Anh Vũ loa thâm phiên tế lãng
Hạc Âu đức viễn khải thuần phong".

Các bạn hãy thử xem hương vị trà SEN như thế nào nhé
Gọi ngay: 0957 020 181 - 086 274 0220 Công ty trà Việt Thiên
Giao Ngay MIỄN PHÍ

0 nhận xét: