Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Bát nước chè xanh


Ai đã từng học môn tập đọc của bậc tiểu học trước năm 1975 chắc hẳn đều còn nhớ vài câu trong một bài học thuộc lòng nói về bát nước chè xanh, một thức uống dân dã nhưng đậm màu sắc quê hương vùng đồi núi Trung bộ, Bắc bộ:
Tôi là bát nước chè xanh

Tỏa hương nhè nhẹ ngon lành thơm tho…

...

…Nhà nông sau bữa cơm no

Cũng nhờ bát nước làm cho tỉnh người

Nước vàng sóng sánh vàng tươi

Đựng trong chiếc bát da trời xanh xanh

Đồng quê cho tới thị thành

Biết bao kẻ lịch, người thanh quen dùng.




Cũng trong chương trình tiểu học hồi ấy, tôi còn nhớ như in câu chuyện của một thương gia kể cho con trai mình nghe về bước đường gian truân để dựng xây cơ ngơi của dòng họ, bắt đầu từ những ấm nước vối. Một ngày nọ, người con trai tò mò khi thấy trong ngôi nhà của mình, nơi trang trọng nhất đặt một chiếc ấm đất sứt vòi, một vật dụng quê mùa, giản dị. Lai lịch của chiếc ấm đất được người cha kể lại như sau: "Hồi ấy, ông nội mồ côi cả cha lẫn mẹ lúc mới lên 10. Ông đã phải ngày ngày xách ấm nước vối nóng đi khắp mọi nơi để bán. Dành dụm bằng cách bán nước vối suốt mười năm, ông nội mới tạo dựng được một cửa hàng nho nhỏ. Và suốt cả một đời lao động cật lực, đến lúc tuổi 50, ông nội mới có được cơ ngơi sung túc, giàu có để lại cho gia đình ta ngày hôm nay. Chiếc ấm đất ấy chính là khởi nguồn cho sự nghiệp của gia đình ta đấy con ạ". Người con khi nghe xong câu chuyện đã tỏ bày sự trân trọng với chiếc ấm đất và cũng biết được vì sao trong gia đình mình không thể thiếu được bát nước vối làm thức uống mỗi ngày.

Không dám đề cập đến ý nghĩa giáo dục của những bài học thuộc lòng, những câu chuyện kể đơn sơ nhưng cảm động, đánh vào trong tâm thức những cậu học trò nhỏ như chúng tôi hồi ấy, mà quả thực ngày còn ở quê nhà, tôi vẫn nhớ như in hiệu quả của những bát nước chè xanh đối với những người nông dân lam lũ cấy cày. Buổi sáng, trước khi ra đồng làm việc, mọi người đều uống một bát nước chè xanh nóng rẫy. Suốt cả ngày ngoài đồng, bát nước chè xanh đã đem lại sự sảng khoái sau những giờ lao động mệt nhọc. Nhưng có một "độc chiêu" điều chế loại cao chè xanh mà tôi nghĩ có lẽ nó chính là sự trùng hợp ngẫu nhiên về ý tưởng của người dân quê tôi với những người sáng chế ra loại trà túi lọc hiện nay trên thị trường bán nhan nhản với đủ loại thương hiệu.

Cha tôi kể lại quy trình chế ra loại cao chè xanh này cho chúng tôi nghe với một niềm trân trọng đối với những người già thuộc thế hệ ông tôi, những người dân quê miền Trung sống vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20: Chè xanh được chọn hái những lứa lá không già quá mà cũng không non quá, phải có cả thân nhánh chè nấu mới đậm đà hương vị. Nhiều bó lá chè được vò nát, bỏ vào một chiếc nồi đồng loại bảy (là đơn vị tính kích thước của nồi đồng thời ấy), đổ nước đầy nồi và đun mải miết. Khi nước cạn đến lưng nồi, trước khi tiếp thêm nước, bỏ vào đó vài bát đường bánh và gừng củ giã nhuyễn. Đun khoảng một ngày một đêm, khi nước chè đặc lại đến mức hơi sền sệt, là lúc dùng một chiếc bẹ chuối tươi nhúng vào nồi cao, phết thật dày lên những tấm giấy bổi (loại giấy mà các cụ thường hay dùng để viết chữ Hán). Sau đó đem phơi nắng, đến khi cao chè đã khô cong, đem hứng một đêm sương cho cao chè dịu lại. Rồi lấy dao tiện thành những miếng cao chè nhỏ cỡ đồng tiền trinh, đục lỗ và xâu vào dây lạt dẻo để dùng dần.

Thứ củi để đun cao chè mà người dân quê rất hay dùng là củi gốc sim. Bởi lẽ gốc sim phơi khô thường cháy rất đượm. Chỉ cần chục gốc sim là có thể ung dung đốt cho nồi cao chè suốt đêm sôi sùng sục Mà sim, thì hồi đó ở vùng miền tây huyện Gio Linh -Quảng Trị quê tôi lại bạt ngàn, đồi này nối tiếp đồi nọ, không biết đến đâu là dừng.

Thú uống loại cao chè xanh này cũng khá lịch lãm. Khi khách đến nhà, gia chủ tráng sơ một chiếc tách nhỏ bằng nước sôi, bỏ vào đó một đồng trinh-cao chè và chế nước sôi vào. Thế là có một loại nước chè xanh đặc biệt. Uống vừa thơm vị chè xanh hòa lẫn vị gừng, vừa ngọt đến nỗi nuốt trôi xuống cổ vẫn còn dư vị chè xanh trong miệng. Nhưng loại cao chè này, uống vào mùa đông mới thú. Lúc mưa phùn, gió bấc lây phây, vừa ở ngoài đồng về trong giá rét, khum khum ấp tách chè vào lòng bàn tay, vừa uống vừa xuýt xoa thì tuyệt không gì bằng.

Bây giờ, ở quê vẫn còn uống nước chè xanh nhưng việc điều chế thành cao chè không còn nữa. Nó như một câu chuyện quá vãng, đi cùng với răng đen nhưng nhức hạt na, khăn mỏ quạ về nẻo quá khứ mịt mù. Loại cao chè xanh có lẽ chỉ còn trong tiềm thức, nhưng thú uống chè xanh của những người nông dân vẫn cứ mãi mãi trường tồn. Đó chẳng phải là một nét văn hoá ẩm thực hay sao?

0 nhận xét: